Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo mỹ phẩm
Công bố mỹ phẩm
Dịch vụ khác
Tin mỹ phẩm
Những điều cần biết
Biểu mẫu
Văn bản pháp luật
Trang chủ >> GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO DỊCH VỤ KHÁM, CHỮA BỆNH
GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO DỊCH VỤ KHÁM, CHỮA BỆNH
Quá trình xin cấp giấy phép quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh thường được điều chỉnh chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng và luật pháp y tế của từng quốc gia. Đối với mỗi loại dịch vụ y tế, có thể có các quy định riêng biệt về nội dung, hình thức và phạm vi quảng cáo. Việc không tuân thủ các quy định này có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở y tế. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được những thông tin hữu ích về loại giấy phép này.
1. GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO DỊCH VỤ KHÁM, CHỮA BỆNH “GIẤY XÁC NHẬN NỘI DUNG QUẢNG CÁO DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH” LÀ GÌ?
- Giấy phép quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh (hay còn gọi là “Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”) là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là giấy phép hoạt động).
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cố định hoặc lưu động đã được cấp giấy phép hoạt động và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
(+ Khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận.
+ Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.)
Theo quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.
2. AI CẦN XIN GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO DỊCH VỤ KHÁM, CHỮA BỆNH?
Các cơ sở khám chữa bệnh có nhu cầu quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh.
3. TẠI SAO PHẢI XIN GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO DỊCH VỤ KHÁM, CHỮA BỆNH?
Vì mục đích đảm bảo rằng các thông tin quảng cáo liên quan đến dịch vụ y tế khi được phát hành trên các phương tiện truyền thông theo quy định được cung cấp một cách chính xác và đúng quy định, từ đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo an toàn trong việc sử dụng dịch vụ y tế của họ.
4. CÁC PHƯƠNG TIỆN, HÌNH THỨC QUẢNG CÁO DỊCH VỤ KHÁM, CHỮA BỆNH:
- Báo chí;
- Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác;
- Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác;
- Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo;
- Phương tiện giao thông;
- Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hóa, thể thao;
- Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo;
- Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.
5. ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO DỊCH VỤ KHÁM, CHỮA BỆNH:
- Nội dung quảng cáo phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, không có hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 của Luật quảng cáo;
- Tiếng nói, chữ viết, hình ảnh trong quảng cáo phải bảo đảm ngắn gọn, thông dụng, đúng quy định tại Điều 18 của Luật quảng cáo. Cỡ chữ nhỏ nhất trong nội dung quảng cáo phải bảo đảm tỷ lệ đủ lớn để có thể đọc được trong điều kiện bình thường và không được nhỏ hơn tỷ lệ tương đương cỡ chữ Vntime hoặc Times New Roman 12 trên khổ giấy A4.
- Phải đủ điều kiện quảng cáo quy định tại Điểm e Khoản 4 Điều 20 của Luật quảng cáo, cụ thể như sau:
+ Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề mà pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh quy định bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề.
- Nội dung quảng cáo phải theo đúng quy định tại Điều 9 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo.
- Có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 19 Thông tư 09/2015/TT-BYT.
- Đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị đứng tên trên giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân được đơn vị đứng tên trên giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền bằng văn bản.
- Đối với quảng cáo thông qua hình thức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện:
+ Trước khi tiến hành việc quảng cáo ít nhất 02 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với hình thức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện phải có văn bản thông báo về hình thức, thời gian và địa điểm quảng cáo kèm theo bản sao giấy xác nhận nội dung quảng cáo, mẫu quảng cáo hoặc kịch bản quảng cáo đã được duyệt cho Sở Y tế nơi tổ chức quảng cáo để thanh tra, kiểm tra trong trường hợp cần thiết;
+ Trường hợp có thay đổi về địa điểm, thời gian tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện so với nội dung ghi trên giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo phải thông báo tới Sở Y tế địa phương nơi tổ chức trước khi tiến hành việc quảng cáo ít nhất 02 ngày làm việc.
6. THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO DỊCH VỤ KHÁM, CHỮA BỆNH:
- Bước 1: Cá nhân/ Tổ chức chuẩn bị hồ sơ theo quy định, nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Y tế.
- Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Y tế tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ;
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn cơ sở bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
- Bước 3: Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Sở Y tế có văn bản thông báo cho cá nhân/ Tổ chức đề nghị để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể là bổ sung thêm những tài liệu nào, sửa đổi nội dung gì. Thời gian để đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu tối đa là 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung của cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Quá thời hạn này thì hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo hết giá trị.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Y tế xem xét và thẩm định hồ sơ để cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, nếu không cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, Sở Y tế phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
- Bước 4: Cá nhân/ Tổ chức căn cứ vào ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận đến nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Y tế.
Lưu ý đối với quảng cáo thông qua hình thức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện
+ Trước khi tiến hành việc quảng cáo ít nhất 02 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân phải gửi văn bản thông báo về hình thức, thời gian và địa điểm quảng cáo kèm theo bản sao giấy xác nhận nội dung quảng cáo, mẫu quảng cáo hoặc kịch bản quảng cáo đã được duyệt cho Sở Y tế nơi tổ chức quảng cáo để thanh tra, kiểm tra trong trường hợp cần thiết;
+ Trường hợp có thay đổi về địa điểm, thời gian tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện so với nội dung ghi trên giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo phải thông báo tới Sở Y tế địa phương.
7. HỒ SƠ CẦN CHUẨN BỊ:
- Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 09/2015/TT-BYT;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;
- Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo:
+ Nếu quảng cáo trên báo nói, báo hình thì phải có 01 bản ghi nội dung quảng cáo dự kiến trong đĩa hình, đĩa âm thanh, file mềm kèm theo 03 bản kịch bản dự kiến quảng cáo, trong đó miêu tả rõ nội dung, phương tiện dự kiến quảng cáo, phần hình ảnh (đối với báo hình), phần lời, phần nhạc;
+ Nếu quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo không phải báo nói, báo hình thì phải có 03 bản ma-két nội dung dự kiến quảng cáo in mầu kèm theo file mềm ghi nội dung dự kiến quảng cáo;
+ Nếu quảng cáo thông qua hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện: Ngoài các tài liệu quy định tại điểm này phải có các tài liệu: mẫu quảng cáo sử dụng trong chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt còn hiệu lực (trong trường hợp mẫu quảng cáo đã được duyệt nội dung), chương trình có ghi rõ tên nội dung báo cáo, thời gian (ngày/tháng/năm), địa điểm tổ chức (địa chỉ cụ thể); nội dung bài báo cáo và tài liệu trình bày, phát cho người dự; bảng kê tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn của báo cáo viên ( báo cáo viên phải có bằng cấp chuyên môn về y phù hợp).
- Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quảng cáo do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp và danh mục kỹ thuật chuyên môn đã được Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế phê duyệt;
- Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quảng cáo trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ hành nghề.
Các yêu cầu khác đối với hồ sơ:
- Trường hợp đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị được ủy quyền thì phải có các giấy tờ sau đây:
+ Văn bản ủy quyền hợp lệ;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài của đơn vị được ủy quyền.
- Tài liệu tham khảo, chứng minh, xác thực thông tin trong nội dung quảng cáo:
+ Các tài liệu bằng tiếng Anh phải dịch ra tiếng Việt kèm theo tài liệu gốc bằng tiếng Anh. Bản dịch tiếng Việt phải được đóng dấu xác nhận của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;
+ Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài không phải là tiếng Anh phải dịch ra tiếng Việt và kèm theo tài liệu gốc bằng tiếng nước ngoài. Bản dịch tiếng Việt phải được công chứng theo quy định của pháp luật.
- Các tài liệu trong hồ sơ được in rõ ràng, sắp xếp theo trình tự quy định tại các điều của Thông tư này, giữa các phần có phân cách bằng giấy màu, có trang bìa và danh mục tài liệu;
- Các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo phải còn hiệu lực, là bản sao chứng thực hoặc bản sao có đóng dấu của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo. Các tài liệu trong hồ sơ phải có dấu, dấu giáp lai của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;
- Mẫu nội dung quảng cáo được trình bày trên khổ giấy A4. Mẫu hình thức quảng cáo ngoài trời khổ lớn có thể trình bày trên khổ giấy A3 hoặc khổ giấy khác và ghi rõ tỷ lệ kích thước so với kích thước thật.
Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
8. CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CẤP:
Sở Y tế.
Ngoài ra cần lưu ý các vấn đề sau đây:
- Cục Quản lý khám, chữa bệnh cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y học hiện đại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động, phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật.
- Cục Quản lý y, dược cổ truyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động, phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật;
- Giám đốc Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động, phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật.
9. LỆ PHÍ:
1.000.000 đồng/ hồ sơ (tính trên một maket quảng cáo).
10. THỜI GIAN THỰC HIỆN:
Trong thời gian 10 – 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh.
11. KẾT QUẢ THỰC HIỆN:
Giấy xác nhận hoặc văn bản từ chối.
12. TRƯỜNG HỢP QUẢNG CÁO DỊCH VỤ KHÁM CHỮA BỆNH MÀ KHÔNG CÓ GIẤY PHÉP:
Theo quy định tại Điều 49 nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt:
“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”
Yêu cầu về hồ sơ ngoài quy định? Một số trường hợp có thể yêu cầu bổ sung các giấy tờ sau đây:
- Giấy phép hoạt động khám bệnh chữa bệnh, Chứng chỉ hành nghề của bác sĩ;
- Quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật;
- Hợp đồng rác thải, nước thải;
- Kê khai trang thiết bị sử dụng cho dịch vụ quảng cáo;
- Giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục.
13. CƠ SỞ PHÁP LÝ:
- Luật quảng cáo ngày 21 tháng 06 năm 2012;
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011;
- Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014;
- Nghị định số 38/2021/NĐ-CP 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo;
- Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 16 tháng 7 năm 2015.