THÔNG TIN CẦN PHẢI CÓ TRÊN NHÃN MỸ PHẨM
0 1 2 3 4

Hỗ trợ trực tuyến

    0986 708 677

Trang chủ >> THÔNG TIN CẦN PHẢI CÓ TRÊN NHÃN MỸ PHẨM

THÔNG TIN CẦN PHẢI CÓ TRÊN NHÃN MỸ PHẨM

           Nền kinh tế - xã hội phát triển một cách nhanh chóng kéo theo nhu cầu về đời sống ngày càng tăng cao. Không dừng lại ở đó xu thế hiện nay mỗi người lại chú trọng càng hơn đến việc làm đẹp cho bản thân mình. Việc làm đẹp cho bản thân thật sự mang lại cho chúng ta những lợi ích rất lớn, khi biết làm đẹp cho bản thân mình sẽ tạo thiện cảm hơn với những người xung quanh, làm đẹp cho hình ảnh cá nhân cũng như thể hiện được sự tôn trọng của mình đối với người khác,…Vì lẽ đó, khi nói đến thị trường mỹ phẩm nước ta đang có sự phát triển sôi nổi, vượt bậc và tiềm năng bứt phá trong tương lai. 

          Sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường mỹ phẩm không chỉ thách thức doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, nâng cao tiềm năng cạnh tranh quốc tế cho thị trường mỹ phẩm Việt Nam. Đa dạng của các sản phẩm, từ mỹ phẩm sản xuất trong nước đến mỹ phẩm nước ngoài đóng gói tại Việt Nam và mỹ phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

         Trong bối cảnh này, sự hiểu biết các quy định pháp luật trong lĩnh vực mỹ phẩm là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ đảm bảo bảo vệ quyền lợi và uy tín của doanh nghiệp mà còn đảm bảo tính hợp pháp và an toàn của sản phẩm. Doanh nghiệp cần hiểu rõ về các quy định về thành phần, chất lượng, và an toàn nhằm tránh được rủi ro pháp lý và tăng cường lòng tin từ phía khách hàng và đối tác kinh doanh. Kèm theo đó, sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ tích cực với cơ quan quản lý và xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn và minh bạch, quan trọng để bảo vệ và phát triển thương hiệu mỹ phẩm một cách bền vững trong thị trường đầy sự cạnh tranh. 

 

 

          Và trong đó “thông tin cần phải có trên nhãn mỹ phẩm” cũng là phần mà pháp luật đưa ra những quy định chặt chẽ đối với lĩnh vực này. Đây là nơi chứa đựng những thông tin quan trọng không chỉ đảm bảo sự hợp pháp, mà còn là cầu nối để khách hàng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp bạn. Hãy cùng nhau khám phá những thông điệp tinh tế trên nhãn mỹ phẩm, để Doanh nghiệp của bạn tạo nên lòng tin, vẻ đẹp và sự tin cậy một cách toàn diện nhất thông qua bài viết sau đây.

     1. Nhãn mỹ phẩm

           Nhãn mỹ phẩm hiện hành được quy định tại Chương V Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định việc về Quản lý Mỹ phẩm.

           Theo đó tại khoản 8 Điều 2 quy định: “Nhãn mỹ phẩm là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hóa.” 

           Trong đó, bao gồm nhãn gốc và nhãn phụ được quy định tại khoản 10, 11 như sau: “Nhãn gốc là nhãn thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì thương phẩm của mỹ phẩm.”; “Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của mỹ phẩm bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của Thông tư này mà nhãn gốc của mỹ phẩm còn thiếu.”

           Cách ghi thông tin trên nhãn mỹ phẩm được quy định tại khoản 9 Điều 8 “thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về mỹ phẩm lên nhãn để người dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn và sử dụng đúng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và làm căn cứ để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.” Ngoài ra, tại Hiệp định về hệ thống hoà hợp ASEAN về Quản lý Mỹ phẩm cũng quy định yêu cầu về Ghi Nhãn mỹ phẩm của ASEAN (ASEAN Cosmetic Labeling Requirements) nêu tại Văn bản đính kèm II và phải có đầy đủ thông tin. “Những điều kiện sử dụng và cảnh báo bắt buộc phải ghi trên nhãn” quy định tại các Phụ lục III, IV, VI, VII và VIII. Doanh nghiệp phải đảm bảo rằng khi ghi nhãn, giới thiệu để bán và quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm, thì tên, thương hiệu, hình ảnh và biểu tượng hay các dấu hiệu khác không được ngụ ý về những đặc tính mà sản phẩm không có.

          Do đó, có thể nói các thông tin trên nhãn của mỹ phẩm không chỉ cho chúng ta biết được các thông tin về thành phần cơ bản hay để nhận biết loại mỹ phẩm phù hợp mà còn là chìa khóa giúp các cơ quan có thẩm quyền, người tiêu dùng hiểu rõ về sản phẩm và đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng nâng cao uy tín đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng mỹ phẩm.

     2. Xử phạt khi vi phạm quy định về ghi nhãn mỹ phẩm

           Việc Doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn mỹ phẩm hậu quả phải gánh chịu không chỉ ở việc đối mặt với các chế tài của cơ quan có thẩm quy, mà còn kéo theo những rủi ro đối với uy tín Doanh nghiệp. Những câu hỏi của người tiêu dùng cũng như công chúng đối với các mỹ phẩm của Doanh nghiệp được đặt ra về sự an toàn và chất lượng sản phẩm.

           Đối với các loại mỹ phẩm sản xuất trong nước hoặc có nguyên liệu nhập khẩu nhưng đóng gói tại Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 119/2017/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi bởi khoản 46 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP, Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa. 

“Điều 30. Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan.

a) Hàng hóa có nhãn hàng hóa nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa;

b) Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số, ngôn ngữ sử dụng, định lượng và đơn vị đo theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng…”

           Còn trường hợp là cá nhân xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này mức phạt từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng. Ngoài ra, để khắc phục hậu quả sẽ áp dụng quy định theo khoản 3 Điều 30 Nghị định 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 47 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP như: “Buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi đưa vào lưu thông; buộc tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm…” Theo quy định của pháp luật nếu tổ chức, doanh nghiệp vi phạm việc ghi nhãn mỹ phẩm, phụ thuộc vào giá trị hàng hóa mà sẽ có mức phạt phù hợp.

           Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 128/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, quy định đối với nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có nhãn gốc mà không có nhãn gốc hàng hóa thì bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng tùy vào giá trị của sản phẩm vi phạm. Để khắc phục hậu quả áp dụng thêm cái biện pháp như: “Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với tang vật vi phạm hành chính; Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy…” được quy định tại khoản 4 Điều 22 Nghị định 128/2020/NĐ-CP. 

           Trường hợp là cá nhân thì mức phạt tiền sẽ bằng ½ mức phạt đối với tổ chức, doanh nghiệp đã được đề cập theo quy định trên.

     3. Thông tin cần phải ghi trên nhãn mỹ phẩm

 

           Đầu tiên, về hình thức chung bao gồm: vị trí, kích thước, ngôn ngữ, hình thức và nội dung trình bày của nhãn mỹ phẩm. Căn cứ vào các Điều 16, 17, 19 Thông tư 06/2011/TT-BYT Quy định về quản lý mỹ phẩm.

          Như vị trí của nhãn phải gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ các nội dung.

         Doanh nghiệp xác định kích thước của nhãn hàng hóa mỹ phẩm có màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu các thông tin phải trung thực, rõ ràng, chính xác và phản ánh đúng tính năng sản phẩm.

         Ngôn ngữ trên nhãn cần được thể hiện bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Tuy nhiên, những nội dung như hướng dẫn sử dụng, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm phải đưa sản phẩm ra thị trường hay những lưu ý về an toàn khi sử dụng, phải được ghi bằng tiếng Việt.

         Tiếp đến, nội dung bắt buộc trên nhãn mỹ phẩm đối với các loại mỹ phẩm quy định tại Điều 18 Thông tư 06/2011/TT-BYT Quy định về quản lý mỹ phẩm:

“1. Nhãn sản phẩm mỹ phẩm phải phù hợp với yêu cầu ghi nhãn mỹ phẩm của ASEAN. Những thông tin sau phải được thể hiện trên nhãn sản phẩm:

a) Tên của sản phẩm và chức năng của nó, trừ khi dạng trình bày sản phẩm đã thể hiện rõ ràng chức năng của sản phẩm;

b) Hướng dẫn sử dụng, trừ khi dạng trình bày đã thể hiện rõ ràng cách sử dụng của sản phẩm;

c) Thành phần công thức đầy đủ: Phải ghi rõ các thành phần theo danh pháp quốc tế quy định trong các ấn phẩm mới nhất nêu tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Thông tư này (không phải ghi tỷ lệ phần trăm của các thành phần);

d) Tên nước sản xuất;

đ) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (ghi đầy đủ bằng tiếng Việt theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư);

e) Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích, theo hệ mét hoặc cả hệ mét và hệ đo lường Anh;

g) Số lô sản xuất;

h) Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng (ví dụ: ngày/tháng/năm). Cách ghi ngày phải thể hiện rõ ràng gồm tháng, năm hoặc ngày, tháng, năm theo đúng thứ tự. Có thể dùng từ “ngày hết hạn” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”, nếu cần thiết có thể bổ sung thêm điều kiện chỉ định cần tuân thủ để đảm bảo sự ổn định của sản phẩm. Với những sản phẩm có độ ổn định dưới 30 tháng, bắt buộc phải ghi ngày hết hạn;”

i) Lưu ý về an toàn khi sử dụng, đặc biệt theo những lưu ý nằm trong cột "Điều kiện sử dụng và những cảnh báo bắt buộc phải in trên nhãn sản phẩm" được đề cập trong các phụ lục của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN, những thận trọng này bắt buộc phải thể hiện trên nhãn sản phẩm.

2. Trong trường hợp kích thước, dạng hoặc chất liệu bao gói không thể in được đầy đủ các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này trên nhãn gốc, những nội dung bắt buộc này phải được ghi trên nhãn phụ đính kèm theo sản phẩm mỹ phẩm và trên nhãn mỹ phẩm phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Các thông tin sau đây bắt buộc phải được ghi trên nhãn gốc của bao bì trực tiếp của sản phẩm:

a) Tên sản phẩm;

b) Số lô sản xuất.’’

 

           Ngoài ra, quy định nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa còn quy định tại Điều 10 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP Quy định về nhãn hàng hóa. 

     + Mỹ phẩm sản xuất trong nước gồm nhãn gốc 

“Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:

a) Tên hàng hóa;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

c) Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;

d) Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.

Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.

Trường hợp đo kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.”

 

Hình ảnh minh họa  

     + Mỹ phẩm có nguyên liệu nhập khẩu hoặc mỹ phẩm nhập khẩu từ nước ngoài gồm nhãn gốc và nhãn phụ

“2. Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:

a) Tên hàng hóa;

b) Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;

c) Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

c1) Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa;

c2) Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam."

Hình ảnh minh họa

          Các thông tin khác bắt buộc có trên nhãn mỹ phẩm được quy định theo Phụ lục I đính kèm Nghị định trên như: “Định lượng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Số lô sản xuất; Ngày sản xuất hoặc hạn sử dụng/hạn dùng; Với những sản phẩm có độ ổn định dưới 30 tháng, bắt buộc phải ghi ngày hết hạn; Hướng dẫn sử dụng trừ khi dạng trình bày đã thể hiện rõ cách sử dụng của sản phẩm; Thông tin, cảnh báo.”

          Cuối cùng, liên quan đến nội dung khác trên nhãn mỹ phẩm cũng được đề cập đến tại Điều 20 Thông tư 06/2011/TT-BYT Quy định về quản lý mỹ phẩm như sau: “Tổ chức, cá nhân được phép ghi trên nhãn mỹ phẩm những nội dung khác. Những nội dung ghi thêm không được trái với quy định của pháp luật và phải đảm bảo trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn mỹ phẩm.”

          Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “Thông tin cần phải có trên nhãn mỹ phẩm” đã đưa ra một loạt các yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý để nắm bắt thị trường mỹ phẩm, hiểu thêm về các quy định pháp luật. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cơ hội và thách thức trong lĩnh vực này mà còn đặt ra một nền tảng vững chắc cho việc phát triển kinh doanh. Đồng thời, việc nắm bắt quy định của pháp luật giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý và giữ vững uy tín của mình. Tóm lại, việc chú ý đến thông tin trên nhãn mỹ phẩm không chỉ là nghĩa vụ của nhà sản xuất mà còn là chìa khóa quan trọng cho sự thành công và bền vững trong tương lai.